Sau thời gian dài “tắc vốn”, bước vào tháng 10/2023 thị trường BĐS trở nên lạc quan hơn khi các doanh nghiệp địa ốc đua nhau thông báo phát hành thành công các lô trái phiếu, hay thành công trong việc gọi vốn từ các quỹ, nhà đầu tư cá nhân
Rầm rộ huy động vốn
CTCP Hưng Thịnh Incons (HoSE: HTN) vừa công bố Nghị quyết HĐQT triển khai phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/CP và đã được ĐHCĐ thường niên 2023 thông qua.
Cụ thể, doanh nghiệp sẽ phát hành 89,1 triệu cổ phiếu, tỷ lệ thực hiện quyền 1:1 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được mua 1 cổ phiếu mới). Vốn điều lệ dự kiến tăng gấp đôi lên 1.782 tỷ đồng. Thời điểm thực hiện trong quý IV và ngay sau khi được UBCK chấp thuận.
Với mức giá chào bán 10.000 đồng/CP, Hưng Thịnh Incons dự kiến huy động 891 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho biết sẽ dùng 400 tỷ để nhận chuyển nhượng một phần của dự án khu thương mại Amata tại phường Long Bình, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; 34,3 tỷ mua cổ phần CTCP Đầu tư Thương mại Kim Lan; 457 tỷ bổ sung vốn cho hoạt động thi công xây dựng công ty tại các dự án;…
CTCP phát triển nhà Bà Rịa – Vũng Tàu (Hodeco, HoSE: HDC) cũng đang triển khai kế hoạch phát hành 20 triệu cổ phiếu với giá 15.000 đồng/cp (bằng một nửa thị giá), tỷ lệ thực hiện quyền 1.000:148 (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu thì được mua 148 cổ phiếu mới). Thời điểm thực hiện dự kiến trong Quý IV và Quý I/2024, sau khi UBCK chấp thuận.
Mới đây, Tập đoàn C.E.O (HNX: CEO) thông báo đã bán thành công 242,7 triệu cổ phiếu trên 252,2 triệu cổ phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu. Doanh nghiệp sẽ bán tiếp 9,5 triệu đơn vị còn lại cho 5 nhà đầu tư khác. Ngoài ra, tập đoàn cũng phân phối xong 5 triệu cổ phiếu ESOP. Với cùng mức giá 10.000 đồng/CP, doanh nghiệp huy động được gần 2.600 tỷ đồng để đầu tư dự án khu biệt thự cao cấp Sonasea Residences, tăng vốn cho công ty con và bổ sung vốn lưu động.
Mới đây, Becamex IDC cũng ra sức triển khai huy động vốn. Cụ thể, doanh nghiệp thông báo đã chào bán thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, kỳ hạn 5 năm. Không dừng ở đó, HĐQT doanh nghiệp vừa thông qua kế hoạch trái phiếu riêng lẻ năm 2023 với tổng giá trị tối đa 760 tỷ đồng.
Tại kỳ họp ĐHCĐ năm nay, ban lãnh đạo Becamex IDC đã tiết lộ 5 mục tiêu lớn giai đoạn 2023-2028 gồm mở rộng thêm 9 tỉnh thành nâng tổng số lên 20, phát triển nhà ở xã hội, phát triển khu công nghiệp thế hệ mới, phát triển đô thị – dịch vụ và hạ tầng giao thông. Với kế hoạch đầu tư lớn, Becamex IDC cần tăng vốn từ 20.000 tỷ – 30.000 tỷ đồng, trong khi con số hiện nay mới 10.350 tỷ đồng.
CTCP Đầu tư Nam Long (HoSE: NLG) công bố Nghị quyết HĐQT triển khai phương án chào bán 500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 5 năm. 6 tháng đầu tiên lãi suất 9,6%/năm, sau đó lãi suất danh nghĩa cộng biên độ 2,5%/năm. Mục tiêu huy động vốn là để đầu tư khu dân cư Nam Long 2 thuộc khu đô thị Nam Cần Thơ, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ. Dự án đã có các phê duyệt chính từ cơ quan chức năng có thẩm quyền từ 2019-2020.
CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã CII – sàn HoSE) cũng vừa phát đi thông báo cho biết đã lên kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh công tác tái cơ cấu nguồn vốn với tổng giá trị lên đến gần 7.000 tỷ đồng. Trong đó, CII đang làm việc với một số tổ chức tài chính quốc tế được Fitch xếp hạng tín dụng AA – để bảo lãnh thanh toán cho các trái phiếu mà CII dự kiến phát hành với tổng giá trị khoảng gần 2.400 tỷ đồng và thời hạn trên 10 năm. Theo đó, các trái phiếu của CII nghiễm nhiên sẽ có xếp hạng tín dụng tương đương với tổ chức quốc tế bảo lãnh.
Thêm nữa, CII dự kiến sẽ phát hành trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu với thời hạn 10 năm và tổng giá trị lên đến 4.500 tỷ đồng. Trước mắt, CII đang làm việc với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước về hồ sơ phát hành trái phiếu chuyển đổi đợt 1 với giá trị phát hành khoảng 2.840 tỷ đồng.
Theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và UBCK, trong tháng 8 có 22 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị 25.055 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số tháng 7 và chiếm gần 20% giá trị từ đầu năm đến nay. Bên cạnh ngân hàng thì nhiều doanh nghiệp bất động sản đã huy động thành công nhiều lô trái phiếu giá trị lớn như Công ty TNHH Bất động sản Lan Việt (4.100 tỷ đồng), Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Liên Tập (1.470 tỷ đồng), Công ty TNHH Capitaland Tower (7.239 tỷ đồng)…
Không chỉ phát hành trái phiếu, các doanh nghiệp còn nhắm tới các quỹ ngoại để huy động vốn. Đơn cử như trong thông báo cập nhật đến các trái chủ mới đây, Công ty TNHH NamLand, tổ chức phát hành lô trái phiếu 900 tỷ đồng đang bị chậm trả lãi và gốc trái phiếu cho biết, doanh nghiệp đang làm việc với nhiều tổ chức nước ngoài, trong đó có Mitshubishi Estate để đề xuất tài trợ cấu trúc tài chính và tiếp tục phát triển dự án với điều kiện dự án được cấp thông báo đủ điều kiện bán hàng.
NamLand đã gửi hồ sơ cho MBGI (Millenium Bridge Global Investors) và đề nghị vay để tái cấu trúc tài chính và phát triển dự án. “Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ ký kết các tài liệu hợp tác chính thức với một trong các đối tác để tiếp tục thực hiện dự án Shizen Home”, ông Nguyễn Thúc Anh Thi, Chủ tịch NamLand nói.
Tiền sẽ giúp doanh nghiệp hồi sinh
Theo ông Hà Văn Thiện, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Trần Anh Group cho rằng, cái khó cơ bản và lớn nhất của thị trường, của doanh nghiệp hiện nay là thiếu hụt dòng tiền.
Theo ông Thiện, với một doanh nghiệp bất động sản, tiền được ví như mạch máu nuôi cơ thể, không có máu thì cơ thể không thể sống, ông Thiện ví von và cho biết, doanh nghiệp địa ốc có 3 kênh huy động vốn chính là tín dụng ngân hàng, phát hành trái phiếu và từ việc bán hàng. Trong đó, tín dụng ngân hàng và hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang bị kiểm soát rất chặt chẽ nên không dễ tiếp cận. Sự sống còn của doanh nghiệp phụ thuộc vào kết quả bán hàng, song cái khó là đầu ra của thị trường vẫn đang bế tắc. “Giải pháp gỡ khó khả dĩ nhất cho doanh nghiệp lúc này là làm thế nào tạo ra thanh khoản cho thị trường, mà muốn có thanh khoản thì phải tạo được niềm tin cho người mua thông qua các chính sách kích cầu, hỗ trợ vốn vay và lãi suất, tháo gỡ vướng mắc thủ tục pháp lý dự án, gia tăng sự minh bạch trên thị trường…”, ông Thiện nhấn mạnh.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, giữa tình thế thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn do sức mua rất yếu hiện nay thì việc được tiếp cận nguồn vốn phát hành trái phiếu, vốn tín dụng là “chiếc phao cứu sinh” đối với các doanh nghiệp bất động sản.
Tại hội nghị diễn ra giữa tháng 9/2023, ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng dự báo thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên trong các tháng cuối năm và có sự phát triển trở lại trong năm 2024, kéo theo nhu cầu của thị trường vật liệu xây dựng, thị trường lao động tăng lên. Động lực giúp thị trường hồi phục đến từ việc lãi suất cho vay giảm, thị trường trái phiếu sôi động hơn và những tháo gỡ pháp lý cho thị trường bất động sản bắt đầu có kết quả tích cực.
Nguồn: https://nhadautu.vn/dong-von-bat-dau-chay-vao-bat-dong-san-d80679.html
- Hà Nội: Giá biệt thự liền kề quay đầu giảm, liệu giá có về đáy?
- Thủ tướng: Ngoài tháo gỡ về pháp lý, cần hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp bất động sản
- Nghệ An sẽ có “siêu” đô thị du lịch nghỉ dưỡng gần 700ha giáp biển và đường sắt Bắc – Nam
- Đất Xanh chuyển quyền sở hữu Sài Gòn Riverview cho công ty con
- 6 yếu tố cơ bản định hình thị trường bất động sản năm 2023
Trả lời