Theo nhiều chuyên gia, trong nỗ “cứu” thanh khoản của thị trường bất động sản, bên cạnh tự cứu mình của các doanh nghiệp, việc tháo gỡ vướng mắc từ Chính phủ và các cơ quan nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, vô cùng quan trọng.
Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch SohoVietnam, chuyên gia tư vấn hàng đầu về mua bán tài sản lớn dự báo, thị trường bất động sản năm 2023 vẫn sẽ bị bao phủ bởi một gam màu xám. Thanh khoản thị trường trầm lắng, các doanh nghiệp cạn kiệt dòng tiền.
Trước bối cảnh cực kỳ khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, ông Cần cho rằng, các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của Chính phủ chính là chìa khóa giúp thị trường hồi phục trong ngắn hạn. Nếu không có sự khơi thông vướng mắc của thị trường từ các cơ quan quản lý nhà nước, việc tự cứu mình của doanh nghiệp cũng không thể đạt được những kết quả như mong đợi.
Ví dụ rõ rất cho thực trạng này là việc M&A các dự án bất động sản, nhiều doanh nghiệp đang lâm vào tình cảnh muốn bán bớt tài sản để có dòng tiền duy trì hoạt động. Tuy nhiên, nếu không có các động thái tháo gỡ của Chính phủ về vướng mắc pháp lý, nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, các dự án rất khó để tìm được đối tượng mua.
Theo vị chuyên gia này, hầu hết các dự án bất động sản hiện nay đang ở giai đoạn chờ thủ tục, chưa thể triển khai. Trong khi đó, đứng ở tâm lý của người mua, các nhà đầu tư có sẵn tiềm lực chỉ lựa chọn những dự án đã hoàn thiện về pháp lý hoặc chưa hoàn thiện nhưng có khả năng hoàn thiện được trong thời gian tới.
Chính vì vậy, những tháo gỡ về thủ tục, việc sửa đổi các bộ luật liên quan đến thị trường bất động sản để giúp khơi thông thanh khoản cho các dự sản là hết sức quan trọng và có tính chất quyết định ngay từ đầu.
“Hiện đang có khá nhiều nhà đầu tư lớn đặt hàng qua SohoVietnam để mua lại dự án bất động sản. Song, rất ít giao dịch thành công do các dự án không đáp ứng yêu cầu của họ về vấn đề pháp lý”, ông Cần tiết lộ và cho rằng, đây là vấn đề rất lớn của thị trường hiện nay mà nếu không được tháo gỡ, những khó khăn của thị trường và doanh nghiệp sẽ vẫn là vấn đề nhức nhối trong dài hạn.
Mặt khác, việc giải quyết vướng mắc pháp lý cũng là cách để giảm giá bất động sản, qua đó hấp dẫn người mua. Thời gian vừa qua, các dự án được định giá trong giai đoạn trước với thời gian thủ tục kéo dài, lãi suất cao, chi phí vốn vay lớn đã khiến mặt bằng giá ở mức cao và khó giảm. Trong khi các nhà đầu tư lại đang chờ đợi mức giá hấp dẫn và hợp lý hơn để quyết định xuống tiền.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group cũng cho rằng, việc giải quyết vấn đề pháp lý cho các dự án bất động sản, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ tạo tính minh bạch, niềm tin và thanh khoản cho chính các dự án và thị trường.
Dù muốn hay không cũng phải thừa nhận rằng, trong gần 10 năm qua, lượng tiền đổ vào bất động sản nghỉ dưỡng là rất lớn. Có thể lên tới cả triệu tỷ. Tuy nhiên, cả chủ đầu tư và khách hàng đều đang đứng trước câu hỏi, bao giờ thì biệt thự biển và condotel được cấp sổ? Trong khi đó, nếu loại hình bất động sản này có giấy khai sinh (sổ đỏ/hồng) thì việc mua /bán/ thế chấp,… sẽ dễ dàng hơn. Qua đó, tạo thanh khoản, khơi thông dòng vốn nhanh và tăng lòng tin của khách hàng.
Ngoài ra, việc giải quyết, tháo gỡ pháp lý cho các dự án đô thị ở các địa phương cũng sẽ làm cho nguồn cung mới được bổ sung. Hàng hóa sẽ đa dạng và pháp lý vững vàng. Nhà đầu tư sẽ yên tâm tìm hiểu và đầu tư vào sản phẩm mình ưa thích, ông Tuyển nhận định.
Yếu tố thứ hai cần được Chính phủ tháo gỡ để hỗ trợ thị trường bất động sản là tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp. Theo ông Tuyển, tín dụng, lãi suất vay vốn ngân hàng bài toán này nhức nhối, nhưng trước sau gì thì cũng phải giải của thị trường bất động sản.
Dẫu biết rằng việc giảm lãi suất phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng nếu mặt bằng lãi suất giảm xuống thêm 1-2% nữa, chắc chắn tiền từ ngân hàng sẽ chảy ra. Đó mới là dòng tiền lớn cứu rỗi thanh khoản của thị trường.
Ở khía cạnh khác, theo ông Cần, việc kiểm soát tín dụng ngân hàng và trái phiếu bất động sản khiến các doanh nghiệp M&A dự án cần có sẵn nguồn tiền mặt rất lớn. Trong khi đó, không nhiều doanh nghiệp có thể đáp ứng được yêu cầu này.
Tâm lý chung của các nhà đầu tư ở bối cảnh hiện nay là vẫn đang nghe ngóng, chờ đợi các động thái tiếp theo của thị trường, các biện pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước về lãi suất, trái phiếu, tín dụng bất động sản và các vướng mắc về pháp lý để lựa chọn thời điểm thích hợp nhất cho việc vào thị trường.
Do đó, bên cạnh việc giảm giá của các chủ đầu tư dự án để thu hút dòng tiền đổ vào thị trường, các yếu tố về tháo gỡ vướng mắc pháp lý và nguồn vốn tín dụng, lãi suất là vô cùng quan trong. Chỉ khi cả ba yếu tố này được kết hợp, tổng hòa, thị trường bất động sản mới có thể khơi thông về thanh khoản và phục hồi trở lại.
Ngoài ra, một vấn đề đáng chú ý được ông Lê Hồng Khang, Giám đốc Khối dịch vụ xếp hạng tín nhiệm FiinRatings cho rằng, trong thời gian chờ các yếu tố về pháp lý, thủ tục, trước hết, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách tái cơ cấu nợ, cho phép doanh nghiệp được giãn, hoãn nợ vay đến hạn phải trả trái phiếu doanh nghiệp và nợ vay ngân hàng.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang rất khó khăn về dòng tiền, tất cả các nguồn vốn đều tắc nghẽn, Chính phủ cần có giải pháp kịp thời để hỗ trợ họ vượt qua khó khăn, giãn hoãn các khoản vay đến hạn. Nhờ vậy, doanh nghiệp mới có thể tìm được giải pháp để vượt qua khó khăn trước mắt và trả các khoản nợ sau này, ông Khang nhấn mạnh.
Phương Linh – The Leader
Nguồn: https://theleader.vn/chia-khoa-khoi-thong-thanh-khoan-bat-dong-san-1677206613127.htm
- Nước cờ đầu tư bất động sản khác biệt của giới thượng lưu
- Đầu tư bất động sản: Chọn “điểm rơi” để đón trước “hừng đông”
- Thập kỷ vàng của đại lộ ven biển, “vùng trũng giá” nào được nhà đầu tư săn tìm
- Hà Tĩnh tìm nhà đầu tư dự án khu đô thị gần 2.000 tỷ đồng
- Thị trường bất động sản bắt đầu chu kỳ tăng trưởng mới
Trả lời