120.000 tỉ sẽ dành cho phân khúc nhà ở thực

Nhóm ngân hàng Big 4 cam kết sẽ dành gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho phân khúc bất động sản ở thực.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết bốn ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước đã thống nhất sẽ dành một gói tín dụng trị giá 120.000 tỉ đồng cho lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cho công nhân, người có thu nhập thấp với lãi suất ưu đãi.

Nắng hạn gặp mưa rào

Hiện nay, phân khúc nhà ở giá rẻ và nhà ở xã hội đang thiếu hụt nguồn cung trầm trọng. Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy năm 2022 cả nước có 682 dự án với 301.967 căn hộ, trong đó nhà ở xã hội có 150 dự án với 19.967 căn hộ. Việc hỗ trợ nguồn vốn cho phân khúc sản phẩm này là vô cùng cần thiết và cấp bách.

Nhóm Big 4 cam kết mỗi ngân hàng sẽ dành 30.000 tỉ đồng cho gói tín dụng hỗ trợ phân khúc nhà giá rẻ. Ảnh minh họa.
Nhóm Big 4 cam kết mỗi ngân hàng sẽ dành 30.000 tỉ đồng cho gói tín dụng hỗ trợ phân khúc nhà giá rẻ. Ảnh minh họa.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: “NHNN đã họp với bốn NHTM nhà nước và các ngân hàng này đã thống nhất dành một gói tín dụng cho lĩnh vực này trị giá 120.000 tỉ đồng với lãi suất cho vay (cho cả hai đối tượng là doanh nghiệp và người mua nhà) thấp hơn 1,5%-2% lãi suất cho vay bình quân trên thị trường trong từng thời kỳ.

Theo số liệu của NHNN trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng ngân hàng cho lĩnh vực BĐS luôn có sự tăng trưởng khá cao. Đặc biệt năm 2022, tín dụng chung của nền kinh tế tăng 14,17%, riêng tín dụng dành cho BĐS tăng 24,2%.

Tỉ trọng dư nợ tín dụng BĐS trên tổng dư nợ của nền kinh tế ở mức khá cao, khoảng 21,6% và giá trị tuyệt đối là 2,58 triệu tỉ đồng. Trong cơ cấu này, trên 60% là tín dụng cho nhu cầu nhà ở, chủ yếu là phân khúc nhà ở giá trị cao. Điều này phản ánh bức tranh mất cân đối cung cầu của thị trường.

NHNN sẽ giao các đơn vị tổ chức, theo dõi, triển khai chương trình này. Đồng thời thông báo cho các NHTM khác, nếu các ngân hàng khác tham gia gói này thì số tiền sẽ được nhiều hơn. Trong quá trình triển khai, nếu các ngân hàng này thiếu hụt về thanh khoản thì NHNN sẵn sàng tái cấp vốn”.

Cần đồng thời tháo gỡ pháp lý và vốn

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho biết: “Ngay sau cuộc họp với Thủ tướng ngày 17-2, bốn NHTM nhà nước xây dựng chính sách để sớm triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và người có thu nhập thấp. Bốn ngân hàng quốc doanh gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank đăng ký mỗi ngân hàng dành 30.000 tỉ đồng”.

Trao đổi cụ thể hơn về gói tín dụng này, lãnh đạo cấp cao một NHTM trong nhóm Big 4 trên cho biết: “Hiện nay, cả bốn ngân hàng đang làm việc với Vụ Tín dụng NHNN để xây dựng một cơ chế chung. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để trong tuần này hoàn thiện về cơ chế. Sau đó, từng ngân hàng sẽ tiến hành tập huấn cho toàn hệ thống. Điểm đặc biệt của gói này là cả bốn ngân hàng sẽ áp dụng chung một mức lãi suất cho vay với cùng điều kiện, thủ tục cho vay. Chúng tôi cam kết với người dân và doanh nghiệp sẽ triển khai gói tín dụng này một cách tốt nhất, hiệu quả nhất”.

Lạc quan trước thông tin này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam, chia sẻ thêm: “Vướng mắc về pháp lý và vốn là hai điểm nghẽn lớn nhất của thị trường hiện nay. Với gói 120.000 tỉ đồng, ngành ngân hàng đã và đang bắt tay tháo gỡ khó khăn về vốn cho thị trường.

Để triển khai tốt trên thực tiễn, các ngân hàng cần đưa ra chính sách lãi suất và điều kiện cho vay hợp lý. Bởi nếu điều kiện cho vay quá khó khăn thì gói hỗ trợ cũng giống như… chiếc bánh vẽ, chỉ để ngắm chứ không có tác dụng trên thực tế. Nếu ngân hàng chuẩn bị sẵn cả về nguồn lực và xây dựng cơ chế cho vay dễ thở, mức lãi suất hợp lý thì điểm nghẽn lớn về dòng vốn sẽ dần được tháo gỡ”.

Theo ông Đính, một khi nút thắt về vốn được tháo gỡ sẽ giúp nhà phát triển BĐS có điều kiện tiếp cận với nguồn vốn vay hợp lý. Đồng thời kích thích chủ đầu tư để tiếp cận nguồn vốn này sẽ hướng đến phát triển phân khúc nhà ở giá rẻ, từ đó thúc đẩy nguồn cung sản phẩm này.

Cùng với đó, người mua nhà cũng có cơ hội tiếp cận vốn vay ngân hàng, kéo theo giao dịch sôi động hơn, mang lại lợi ích cho các bên trên thị trường và cả nền kinh tế.

“Vấn đề chính ở đây là cả hai vướng mắc này phải được giải quyết song song, đồng thời chứ không thể lệch một bên. Ngân hàng tạo gói tín dụng hỗ trợ gỡ nút thắt về vốn mà pháp lý vẫn không giải quyết được, chẳng có dự án nào “chạy” thì ngân hàng cũng không cho ai vay được” – ông Đính nhấn mạnh.

Gói hỗ trợ sẽ được thực hiện ngay khi ngân hàng ban hành

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho biết các NHTM đưa ra các gói tín dụng ưu đãi hoặc giảm lãi suất cho doanh nghiệp mang lại hiệu ứng và tác động tích cực, nhanh chóng đối với thị trường, doanh nghiệp nhờ tính chủ động, tự quyết, không phụ thuộc nhiều vào khâu tổ chức triển khai như thực hiện một chủ trương, chính sách. Theo đó, doanh nghiệp, người dân – khách hàng của ngân hàng sẽ được hỗ trợ ngay khi các NHTM ban hành và thực hiện gói cho vay.

 

Nguồn: https://truyenhinhnghean.vn/kinh-te/202302/120000-ti-se-danh-cho-phan-khuc-nha-o-thuc-c8540b9/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *