Thông tin ông Lê Thanh Thản bị truy tố vì tội lừa dối khách hàng gây nên nhiều thắc mắc về quyền lợi của người mua nhà như việc cấp sổ đỏ hoặc được trả lại tiền.
Trả lời VTC News về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hưng, Giám đốc Công ty Luật Phúc Khánh Hưng, cho rằng, việc xử lý hình sự ông Lê Thanh Thản – Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh – và việc cấp sổ đỏ cho người mua nhà là hai việc hoàn toàn khác nhau.
Trách nhiệm của ông Thản chỉ là bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả cho người mua nhà do hành vi lừa dối khách hàng gây ra. Cơ quan điều tra đã xác định được số tiền thiệt hại là 481 tỷ đồng. Như vậy ông Thản sẽ phải bồi thường số tiền này. Được biết ngân hàng BIDV đã cấp chứng thư 530 tỷ đồng để đảm bảo thanh toán cho những người bị hại.
“ Vấn đề ở đây là nhiều người hiện nay không phải là người mua nhà từ đầu mà họ chỉ mua lại của những người trước đó, giá mua lại cũng cao hơn giá ông Thản bán rất nhiều. Bên cạnh đó, giá thị trường của các căn hộ hiện nay cũng tăng lên so với giá thời điểm ông Thản bán. Chính vì vậy, rất khó thực hiện được phương án ông Thản trả lại tiền để người mua trả lại nhà ”, luật sư Hưng phân tích.
Theo ông Hưng, vụ án này trước mắt sẽ chỉ giải quyết được phần hình sự là trách nhiệm của ông Thản, còn quyền lợi của khách hàng cũng như việc cấp sổ đỏ cho các căn hộ sai phạm này phải chờ các cơ quan chức năng giải quyết.
Còn tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp – phân tích, dưới góc độ pháp lý thì hợp đồng mua bán nhà ở là giao dịch dân sự và chỉ có thể được pháp luật công nhận nếu như ngôi nhà (căn hộ) đó được tạo lập hợp pháp, phù hợp với quy hoạch, đủ điều kiện tham gia giao dịch; các bên chủ thể có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, được quyền tham gia giao dịch.
Nếu tòa nhà, căn hộ được tạo lập bất hợp pháp, không đủ điều kiện tham gia giao dịch về nhà ở hoặc một bên bị lừa dối, bị nhầm lẫn khi tham gia giao dịch… thì đó là những trường hợp khiến giao dịch dân sự bị vô hiệu.
Trường hợp hợp đồng mua bán nhà ở không đủ điều kiện có hiệu lực pháp luật thì sẽ được xác định là hợp đồng vô hiệu, bên mua có quyền đòi lại tiền và trả lại nhà. Nếu bên bán có lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Về nguyên tắc, giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trong vụ án hình sự này, có thể tòa án sẽ giải quyết cả vấn đề dân sự, đó là xem xét tính hợp pháp của các hợp đồng mua bán nhà mà công ty của ông Thản đã ký kết với khách hàng nhằm xác định hợp đồng này có hiệu lực pháp luật hay không. Trong trường hợp kết quả giải quyết vụ án cho thấy các căn hộ đã vi phạm quy hoạch chi tiết, không được phép xây dựng, chưa đủ điều kiện để tham gia giao dịch về nhà ở, có yếu tố lừa dối khách hàng do bên bán nhà đưa ra thông tin sai sự thật từ đó khiến khách nhầm lẫn mới ký kết hợp đồng mua bán nhà ở thì tòa án có thể tuyên bố các hợp đồng mua bán này bị vô hiệu theo quy định của pháp luật. Việc giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu là các bên nhận của nhau thứ gì phải trả, bên nào có lỗi, gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Việc tính toán số tiền thu lợi bất chính sẽ được tính trên tổng số tiền thu được trừ các chi phí hợp lý, hợp pháp. Trường hợp hoàn trả theo nghĩa vụ dân sự thì các chi phí hợp lý, hợp pháp sẽ không được tính, bên bán căn hộ sẽ phải trả lại toàn bộ số tiền đã nhận. Người mua nhà sẽ được nhận toàn bộ số tiền đã nộp cho doanh nghiệp này và có quyền yêu cầu doanh nghiệp này phải bồi thường thiệt hại là số tiền chênh lệch giữa giá nhà thực tế hiện nay so với giá trị căn hộ đã mua trước đó.
Trước đó, ông Lê Thanh Thản bị khởi tố để điều tra về hành vi lừa dối khách hàng theo Khoản 2, Điều 198 BLHS 2015 sửa đổi. Việc thực hiện các biện pháp tố tụng này nhằm làm rõ, xử lý các dấu hiệu vi phạm pháp luật tại dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes ở phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội.
Theo cáo buộc, chủ dầu tư đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng sai phạm nghiêm trọng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng lại quảng cáo gian dối về tính pháp lý của dự án để khách hàng tin tưởng mua nhà, dù công trình xây dựng vi phạm quy hoạch được duyệt.
Hậu quả là đã có 488 căn hộ được bán ra nhưng không được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, thu lợi bất chính hơn 481 tỷ đồng (trong đó giá trị quyền sử dụng đất hơn 56 tỷ đồng).
VTC News
https://vtc.vn/ong-le-thanh-than-bi-truy-to-quyen-loi-cua-nguoi-mua-nha-duoc-xu-ly-the-nao-ar768008.html
- Phân khúc bất động sản vẫn “tăng nhiệt” khi thị trường trầm lắng
- Vì sao cổ phiếu FLC chưa giao dịch trên UPCoM?
- Dấu ấn Tập đoàn Geleximco qua những dự án khu đô thị được quy hoạch bài bản
- Đất Xanh chuyển quyền sở hữu Sài Gòn Riverview cho công ty con
- Thủ tục chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội được thực hiện như thế nào?
Trả lời